1.GAP là gì?
GAP (Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Tốt ở đây còn có nghĩa là an toàn, sạch và có chất lượng cao theo một tiêu chuẩn thống nhất chung trên toàn cầu mà lần đầu tiên vào năm 1997, một tổ chức bán lẻ ở Châu Âu có tên là Euro-Retailer Produce Working Group, đưa ra khái niệm sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practics, viết tắt là GAP) nên gọi là EurepGAP và sau đó trở thành GlobalGAP áp dụng chung cho toàn cầu. Căn cứ vào GlobalGap, nước ta đã có VietGAP trên cây ăn trái, VietGAP trên rau. Những khái niệm tương tự như sản xuất lúa sạch, sản xuất lúa an toàn nếu chỉ áp dụng một số tiêu chuẩn nhất định mà không hoàn toàn căn cứ vào GlobalGAP thì không được công nhận mà chỉ mang tính tương đối. GAP quy định những tiêu chuẩn và thủ tục nhằm phát triển nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Qua đó, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người lao
động, an toàn cho môi trường và có những căn cứ có thể truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm được sản xuất ra.
Thực hành nông nghiệp tốt (Good Agriculture Practices - GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng.
GAP bao gồm việc sản xuất theo hướng lựa chọn địa điểm, việc sử dụng đất đai, phân bón, nước, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, đóng gói, tồn trữ, vệ sinh đồng ruộng và vận chuyển sản phẩm, v.v. nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững với mục đích đảm bảo:
- An toàn cho thực phẩm;
- An toàn cho người sản xuất;
- Bảo vệ môi trường;
- Truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.
2. VietGAP là gì?
VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) gồm tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tiêu chuẩn/quy phạm VietGAP được biên soạn dựa trên quy định của luật pháp Việt Nam (Luật an toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước,...), hướng dẫn của FAO và tham khảo quy định tại các tiêu chuẩn AseanGAP, GlobalGAP, EurepGAP, HACCP.
3. Lợi ích khi áp dụng VietGAP
* Đối với xã hội:
Đây chính là bằng chứng để khẳng định tên tuổi của các sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu do vượt qua được các rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu. Áp dụng VietGAP làm thay đổi tập quán sản xuất hiện nay, xã hội giảm bớt được chi phí y tế, người dân được sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm nghĩa là đã nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.
* Đối với nhà sản xuất:
Giúp nhà sản xuất phản ứng kịp thời hơn với các vấn đề trong sản xuất liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm thông qua việc kiểm soát sản xuất trong các khâu làm đất, chăn nuôi cho đến khi thu hoạch, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định. Những cơ sở sản xuất áp dụng quy trình và được cấp chứng chỉ VietGAP sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Chứng chỉ VietGAP giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định
* Đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu:
Nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng nên sẽ bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm, vì thế giữ được uy tín với khách hàng và nâng cao doanh thu. Do nguồn nguyên liệu đầvào đã được bảo đảm, các doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí và thời gian cho việc kiểm tra mẫu thủy sản đầu vào. Giảm nguy cơ sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc bị kiểm tra 100% khi nhập do không đảm bảo yêu cầu về dư lượng hóa chất.
* Đối với người tiêu dùng:
Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đó cũng là mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại. Với việc đề ra các nguy cơ và quy định thực hiện, VietGAP sẽ tạo nên quyền được đòi hỏi của người tiêu dùng, từ đó góp phần tạo lên một thế hệ những người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường khi thấy có chứng nhận hoặc dấu chứng nhận sản phẩm VietGAP, đây cũng là động lực chính thúc đẩy người dân và các nhà sản xuất phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm tốt từ nông nghiệp cho xã hội.
Chính vì các lợi ích VietGAP mang lại, trong năm 2020, UBND thành phố Đà Lạt phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ áp dụng quy trình, chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn thành phố Đà Lạt theo Quyết định số 4703/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Lạt. Trong đó giao Phòng kinh tế Đà Lạt chủ trì, phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Trung tâm) triển khai các buổi tập huấn nhận thức về VietGAP cho 21 tổ chức, với 254 lượt người tham gia đào tạo. Khi bà con nông dân đã nắm bắt và sản xuất các sản phẩm trồng trọt theo yêu cầu của Quy trình sản xuất thì Trung tâm đã tiến hành lấy mẫu đất, nước và sản phẩm, đồng thời đánh giá quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 21 Hợp tác xã và Tổ hợp tác, với quy mô 166 hộ liên kết và 80,95 ha các sản phẩm Rau củ quả các loại, Dâu tây, Atiso, Cà phê; các loại trái cây gồm: Hồng, Bơ, Quýt, Mít … trên địa bàn một số xã, phường của thành phố Đà Lạt.
Tập huấn các hộ nông dân
Tương tự, theo Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND ban hành quy định về nội dung, danh mục và mức hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất Nông nghiệp tốt VietGAP trong Nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng là đầu mối tổng hợp và phối hợp với Trung tâm triển khai các buổi tập huấn nhận thức về VietGAP cho 05 cơ sở gồm 02 hộ gia đình và 03 Hợp tác xã tại huyện Di Linh và Đức Trọng có 56 lượt người tham gia đào tạo. Khi bà con nông dân đã nắm bắt và sản xuất các sản phẩm trồng trọt theo yêu cầu của Quy trình sản xuất thì Trung tâm đã tiến hành lấy mẫu đất, nước và sản phẩm, đồng thời đánh giá quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận VietGAP 05 cơ sở có quy mô 30 hộ với 43,7 ha cho các sản phẩm: Cà phê, Bơ, Sầu riêng, Bưởi da xanh và Chanh dây.
Mặc dù việc sản xuất theo các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung; chi phí áp dụng các mô hình tương đối cao; trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế; chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, chi phí cho các khâu trung gian nhiều dẫn tới giá thành sản phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng, do vậy sản phẩm khó cạnh tranh; tại địa phương nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP còn nhiều hạn chế, thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để giải quyết vấn đề này, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất theo các mô hình tiên tiến; tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương phục vụ việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân; xây dựng chính sách tổng thể phục vụ từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và phải có nguồn kinh phí riêng để tổ chức thực hiện chính sách được thuận lợi; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chứng nhận; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Mô hình trồng rau theo VietGAP