Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Năm năm một chặng đường (27/01/2021 )
Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng:
Năm năm một chặng đường
Lê Thành Trung
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng (Trung tâm TĐC) là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập có chức năng thực hiện các hoạt động sự nghiệp kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ khác theo nhu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trung tâm TĐC tiền thân là Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng, được thành lập năm 2010 theo Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 29/06/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng và được đổi tên thành Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo Quyết định số 138/QĐ-SKHCN ngày 22/9/2016 của Sở KH&CN Lâm Đồng. Trụ sở chính của Trung tâm tại số 230 Hoàng Văn Thụ, phường 1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và Chi nhánh tại số 18 Trần Phú, thành phố Đà Lạt. Tổng số lao động của Trung tâm hiện nay là 26 người, trong đó có 7 lao động có trình độ thạc sỹ, 15 người có trình độ Đại học cao đẳng và 4 lao động khác.
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo và cập nhật kiến thức thường xuyên nên trong thời gian qua ngoài nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước Trung tâm đã đồng hành, phối hợp và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Trung tâm có chức năng phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất và lưu thông phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và giám định sản phẩm hàng hóa, quá trình, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, khu vực, quốc tế và các tổ chức khác; kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hình 1. Cán bộ công chức, viên chức, người lao động trung tâm
Tuy tuổi đời còn khá non trẻ, nhưng nhờ được kế thừa những thành quả về nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của giai đoạn 2010-2016 cho các lĩnh vực về phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hoá; đồng thời tiếp nhận thêm nhân lực, trang thiết bị từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lương phục vụ nhiệm vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường, nên 5 năm qua Trung tâm đã đạt được những thành quả nhất định trong các hoạt động sự nghiệp kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ khác theo yêu cầu của doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động chứng nhận chất lượng của Trung tâm đã được công nhận phù hợp với chuẩn mực ISO/IEC 17065:2012, được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận đăng ký động số 2621/TĐC-HCHQ, ngày 18/9/2018 với số đăng ký: 75/CN-TĐC. Với đội ngũ chuyên gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực của đơn vị và phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, trong 5 năm qua Trung tâm đã tiến hành đánh giá chứng nhận cho hơn 500 cơ sở, doanh nghiệp về tiêu chuẩn VietGAP áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chứng nhận chất lượng cho một số sản phẩm: chè, cà phê, nước uống đóng chai, đồ uống có cồn, gạch ngói xây dựng của các đơn vị sản xuất. Hiện nay, hàng năm Trung tâm thực hiện đánh giá chứng nhận mới cho hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp; duy trì khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp về tiêu chuẩn VietGAP áp dụng cho sản phẩm trồng trọt với tổng diện tích quản lý là hơn 1.200ha.
Hình 2. Hoạt động chứng nhận chất lượng
Hoạt động phân tích kiểm nghiệm theo hệ thống ISO/IEC 17025:2017, đây là một trong những hoạt động được Trung tâm triển khai đầu tư tương đối bài bản, tập trung tối đa nguồn lực và trang thiết bị hiện đại. Năng lực thử nghiệm của Trung tâm ngày càng được khẳng định, số lượng chỉ tiêu thử nghiệm được công nhận và chỉ định cũng tăng lên hàng năm. Hiện nay Trung tâm thực hiện được 237 chỉ tiêu về hoá lý, vi sinh, vật liệu xây dựng, trong đó các chỉ tiêu được công nhận theo ISO/IEC 17025 là 134 chỉ tiêu gồm hóa lý là 155 chỉ tiêu; vi sinh là 16 chỉ tiêu và vật liệu xây dựng là 66 chỉ tiêu.
Hàng năm, Trung tâm triển khai phân tích khoảng 3.000 mẫu sản phẩm với hơn 12.000 chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, vật liệu xây dựng cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện các đợt thanh kiểm tra và phân tích chất lượng sản phẩm hàng hoá phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; phối hợp với thành phố Đà Lạt triển khai phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm cho các đơn vị, doanh nghiệp sản suất rau, hoa làm cơ sở cho thành phố cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Hình 3. Hoạt động phân tích, kiểm nghiệm
Bên cạnh các hoạt động phân tích, kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm theo yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, hàng năm Trung tâm thực hiện nhiệm vụ khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước của địa phương; ngoài ra, thời gian qua Trung tâm còn tăng cường tham gia các chương trình đề án, dự án trọng điểm của các địa phương trong và ngoài tỉnh như phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, phân tích chất lượng 600 mẫu đất về các chỉ tiêu hóa, lý cho 18 vùng sản xuất trồng trọt công nghệ cao theo Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng năm 2018; Phân tích chất lượng mẫu đất, nước và sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận thuộc Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoạt động đo lường được hình thành trên cơ sở chuyển hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng qua từ tháng 3/2017. Tuy mới được hình thành nhưng với kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trang thiết bị kỹ thuật được kế thừa từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nên thời gian qua, hoạt động đo lường đã từng bước đi vào hoạt động ổn định và phát triển.
Hình 4. Phòng kỹ thuật tổng hợp
Hiện nay, Trung tâm TĐC đã thực hiện kiểm định được 24/60 phương tiện đo theo Thông tư 07/2019/TT-BKHCN, thực hiện hiệu chuẩn các phương tiện gồm quả cân chuẩn; bình chuẩn; áp kế chuẩn; cân không tự động và nhiệt ẩm kế. Hiện nay, hàng năm Trung tâm thực hiện kiểm định khoảng 17.000 phương tiện đo, trong đó một số lĩnh vực trọng tâm phục vụ công tác quản lý nhà nước đã được Trung tâm tập trung thực hiện gồm:
- Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu: hàng năm Trung tâm đã thực hiện kiểm định 250 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn tỉnh, chiếm 89%, với 1.200 cột đo xăng, dầu góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bán lẽ xăng dầu.
Hình 5. Kiểm định xăng dầu
- Trong lĩnh vực kinh doanh Taxi: Trung tâm đã thực hiện kiểm định đồng hồ Taximet cho 8/9 hãng Taxi toàn tỉnh với 1.400 phương tiện, góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh Taxi trên toàn tỉnh.
Hình 6. Kiểm định taxi
- Trong lĩnh vực y tế: Thực hiện kiểm định các phương tiện đo trong lĩnh vực y tế như máy đo điện tim, điện não, huyết áp, cân sức khỏe … phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực phương tiện đo nhóm 2 trong y tế và góp phần nâng cao chất lượng hiện quả khám chữa bệnh tại các cơ sở, bệnh viện và Trung tâm y tế trên toàn tỉnh.
Hình 7. Kiểm định thiết bị Y tế
- Trong lĩnh vực điện, nước: Trung tâm đã phối hợp với Công ty điện lực Lâm Đồng, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty cổ phần Cấp thoát nước và đầu tư xây dựng của Bảo Lộc tiến hành kiểm định đối chứng đồng hồ điện, đồng hồ nước phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn theo chỉ định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Hàng năm thực hiện kiểm định 10% trong đó khoảng 7.500 công tơ điện và 2.000 đồng hồ đo nước lạnh.
Hình 8. Kiểm định đồng hồ đo nước lạnh
- Đối với cân thông dụng trong bán lẽ và cân ô tô trong kinh doanh hàng hóa, nông sản: đã thực hiện kiểm định theo nhu cầu của người dân để phục vụ kinh doanh, sản xuất góp phần nâng cao niềm tin trong người tiêu dùng.
Hình 9. Kiểm định cân tại các chợ
Bên cạnh hoạt động kiểm định, Trung tâm TĐC từng bước tăng cường tiềm lực mở rộng lĩnh vực hoạt động hiệu chuẩn. Hiện Trung tâm đã được chỉ định thực hiện hiệu chuẩn phương tiện đo gồm: quả cân có cấp chính xác M1 đến 20kg, quả cân chuẩn F2 (1g- 10kg); nhiệt ẩm kế; bình chuẩn kim loại hạng 2 đến 1000 lít; áp kế chuẩn kiểu chỉ thị số và tương tự đến 600 bar; cân cấp chính xác III có mức cân đến 60 tấn (cân trạm trộn bê tông…).
Ngoài hoạt động chuyên môn trên, với đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, có trình độ chuyên môn, Trung tâm đã tích cực tham gia thực hiện các đề tài, dự án các cấp. Trong 5 năm qua, hàng năm Trung tâm đã triển khai 3 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, 1-2 đề tài cơ sở và các chương trình, dự án KHCN cấp huyện, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp của các ngành. Qua việc thực hiện nghiên cứu các đề tài, dự án đã nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức triển khai nhiệm vụ và kỹ năng khách cho cán bộ của Trung tâm.
Hình 10. Hội thảo nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng
Sự phát triển lớn mạnh trong các lĩnh vực kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng trong 5 năm qua, đã ghi dấu cho sự trưởng thành của Trung tâm nói riêng và hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ nói chúng. Thành công này góp phần nâng cao vị thế của Trung tâm TĐC trong việc giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị lợi ích khi các sản phẩm được công nhận đạt Tiêu chuẩn quốc tế, Tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, đồng thời, tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến các nước trong khu vực và thế giới, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm trong thời gian tới là phục vụ ngày càng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trung tâm định hướng sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực Trung tâm đang đảm nhận, đồng thời thực hiện lộ trình mở rộng, nâng cao năng lực hoạt động trên một số lĩnh vực như: Hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị đo lường; mở rộng các chỉ tiêu thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, lĩnh vực chứng nhận sản phẩm, chứng nhận hữu cơ… Đây là những bước đi cần thiết để phát triển hoạt động của Trung tâm, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực liên quan, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tình hình mới./.