Hoạt động kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương (26/01/2021 )
Hoạt động kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương
Lê Thành Trung
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng (sau đây viết tắt là Trung tâm TĐC) là đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây viết tắt là Chi cục), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 138/QĐ-SKHCN ngày 22/9/2016 của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng trên cơ sở chuyển toàn bộ Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng tỉnh Lâm Đồng thuộc Sở KH&CN được thành lập theo Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 29/6/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động sự nghiệp kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ khác theo nhu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trung tâm có trụ sở chính tại 230 Hoàng Văn Thụ, Phường 1, thành phố Bảo Lộc và Văn phòng tại 18 Trần Phú, Phường 3, thành phố Đà Lạt.
Nguồn nhân lực của Trung tâm hiên này có 26 cán bộ viên chức và người lao động, gồm 7 thạc sỹ, 15 đại học, cao đẳng và 4 lao động khác.
Hình 1. Cán bộ công chức, viên chức, người lao động Trung tâm
Năm 2020 với những khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức, Trung tâm TĐC đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ trong công tác phòng chống dịch Covid – 19 và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cụ thể:
1. Hoạt động phân tích kiểm nghiệm
Hệ thống phòng thí nghiệm của Trung tâm được Văn phòng Công nhận chất lượng (BOA – Bộ KH&CN) công nhận theo ISO/IEC 17025 : 2017 với các lĩnh vực thử nghiệm về hóa lý, vi sinh và vật liệu xây dựng; năng lực phân tích gồm 125 chỉ tiêu các loại.
Hình 2. Hoạt động phân tích, kiểm nghiệm
Nhằm đánh giá chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị, năm 2020 Trung tâm đã tiến hành khảo sát 350 cơ sở, hộ dân về sản xuất nông sản gắn với thương hiệu của tỉnh gồm Nếp Quýt Đạ Tẻh, sầu riêng Đạ Huoai, rau Đà Lạt ... và tiến hành lấy mẫu phân tích với 163 mẫu gồm 30 mẫu đất, 30 mẫu nước và 103 mẫu sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm và đối chiếu với các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan phục vụ công tác quản lý trên địa bàn tỉnh.
Năm 2020 Trung tâm đã triển khai phân tích được 2.971 mẫu với 12.650 chỉ tiêu gồm 9.520 chỉ tiêu hoá lý, 1.770 chỉ tiêu vi sinh và 1.360 chỉ tiêu vật liệu xây dựng theo yêu cầu của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi tại thành phố Bảo Lộc”, Trung tâm đã tổ chức 3 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 100 lượt người dân về xử lý chất thải chăn nuôi; hỗ trợ vật tư, chế phẩm vi sinh trong xử lý mùi hôi và chất thải chăn nuôi cho 12 hộ dân trên địa bàn góp phần hỗ trợ người dân trong hoạt động chăn nuôi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây suy giảm đàn heo trên địa bàn Bảo Lộc nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Hình 3. Mô hình thực hiện dự án
2. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo
a. Công tác phục vụ quản lý nhà nước:
- Trong năm 2020, Trung tâm cử kiểm định viên phối hợp tham gia 16 đoàn thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và ghi nhãn hàng hóa của Sở Khoa học và Công nghệ và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
- Trung tâm là đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định kiểm định đối chứng công tơ điện của Công ty Điện lực Lâm Đồng (thực hiện 7.333/7.950 công tơ điện, tỷ lệ đạt yêu cầu kỹ thuật 92,2%); Kiểm định đối chứng đồng hồ đo nước lạnh của Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng (thực hiẹn 1.500 đồng hồ đo nước lạnh, đạt 100%) và kiểm định đối chứng đồng hồ đo nước lạnh của Công ty CP Cấp thoát nước và xây dựng Bảo Lộc( thực hiện 400 đồng hồ đo nước lạnh, đạt 100%).
- Tham gia 03 đoàn đánh giá của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại Công ty Cấp nước Bình Thuận, Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng và Công ty CP Cấp thoát nước và xây dựng Bảo Lộc.
b. Hoạt động dịch vụ kỹ thuật:
Năm 2020, Trung tâm thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn 21.583 lượt phương tiện đo, chuẩn đo lường theo yêu cầu của doanh nghiệp, người dân (trong đó 20.811/21.621 đạt yêu cầu kỹ thuật, chiếm 96%), cụ thể gồm:
+ 1.298 cân các loại; 1.347 cột đo xăng dầu; 28 cân ô tô; 1.458 taximet; 8.473 công tơ điện; 6.564 đồng hồ đo nước lạnh; 1.059 áp kế, huyết áp kế; 96 máy đo điện tim; 4 bể đong cố định; 181 bình đong; 53 điện trở tiếp đất.
+ Và 810 phương tiện đo không đạt yêu cầu gồm 800 công tơ điện; 10 đồng hồ đo nước lạnh.
+ Hiệu chuẩn được 212 phương tiện đo, gồm có: 59 bình chuẩn kim loại hạng II; 26 áp kế chuẩn; 127 quả cân.
+ Hiệu chuẩn 10 tấn quả cân M1 (500 quả chuẩn) phục vụ công tác kiểm định cân các loại.
Hình 4. Kiểm định cân ô tô và taximet
3. Hoạt động chứng nhận chất lượng
Trung tâm được Văn phòng Công nhận chất lượng (BOA- Bộ KH&CN) đánh giá công nhận hoạt động chứng nhận chất lượng hoạt động theo hệ thống ISO/IEC 17065: 2012 với các lĩnh vực chứng nhận sản phẩm Phân bón và VietGAP cho sản phẩm trồng trọt. Trong đó, hoạt động chứng nhận VietGAP trồng trọt vẫn là thế mạnh và là nhu cầu cấp thiết hiện nay của người dân địa phương.
Trong năm 2020, Trung tâm còn tổ chức chứng nhận VietGAP cho 133 cơ sở thuộc lĩnh vực sản xuất rau, cây ăn trái, cà phê, chè; riêng thành phố Đà Lạt đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho 21 cơ sở, hợp tác xã với 230 lượt nông dân tham gia, chứng nhận hơn 80ha các sản phẩm rau, quả.
Hình 5. Hoạt động chứng nhận chất lượng
Bên cạnh các hoạt động kỹ thuật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ công tác quản lý nhà nước và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn theo yêu cầu, Trung tâm còn phối hợp triển khai các hoạt động xã hội khác trong đó có công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Ngay khi xuất hiện dịch Covid – 19, Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm và pha chế nước khử trùng tay ngay tại phòng thí nghiệm; tiến hành hỗ trợ Trung tâm hành chính tỉnh, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các đơn vị, sở ngành trên địa bàn thành phố. Tổng lượng nước khử trùng hỗ trợ trong 2 đợt khoảng 300 lít.
Triển khai chương trình hỗ trợ 40% (đợt 1 từ ngày 10/4 đến 30/6/2020) và 20% (đợt 2 từ ngày 12/8 đến 30/9/2020) phí kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận VietGAP cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm triển khai năm 2021
Kế thừa những kết quả đạt được trong năm 2020, những định hướng và chỉ đạo của Chi cục TĐC và Sở KH&CN, trong năm 2021 Trung tâm TĐC tiếp tục triển khai các hoạt động kỹ thuật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đồng thời phát huy hơn nữa công tác chuyên môn, chất lượng dịch vụ kỹ thuật nhằm hỗ trợ, đáp ứng các yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong và ngoài tỉnh về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Một số nhiệm vụ trong tâm triển khai trong năm 2021 gồm:
a. Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện khảo sát lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND.
b. Phối hợp với các đơn vị khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý đo lường tại doanh nghiệp của tỉnh, tổ chức tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp về công tác kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đo lường theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó ưu tiên lĩnh vực y tế, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
c. Phối hợp với các đơn vị, ngành, địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn cho người dân về quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện đánh giá, chứng nhận VietGAP theo yêu cầu và quy định hiện hành.
d. Thực hiện hoạt động kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ khác theo nhu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm trong thời gian tới là phục vụ ngày càng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trung tâm sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực Trung tâm đang đảm nhận, đồng thời thực hiện mở rộng, nâng cao năng lực hoạt động trên một số lĩnh vực như: Hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị đo lường; mở rộng các chỉ tiêu thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, lĩnh vực chứng nhận chất lượng… nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực liên quan, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tình hình mới./.
_________________________