Ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi tại thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng (06/01/2021 )
ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI
TẠI THÀNH PHỐ BẢO LỘC TỈNH LÂM ĐỒNG
Chủ nhiệm dự án: KS. Bùi Ngọc Minh Tâm
-
Đặt vấn đề
Thành phố Bảo Lộc được biết đến là mảnh đất trù phú trên cao nguyên Di Linh, là đầu mối giao thông quan trọng của Lâm Đồng trong việc phát huy tiềm năng, mở rộng giao lưu với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Với khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình cả năm 21- 22oC, Bảo Lộc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về nhiều lĩnh vực chủ yếu tập trung vào nông nghiệp và công nghiệp.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngành chăn nuôi đang có xu hướng phát triển theo hướng trang trại quy mô công nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất, sản phẩm ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Đồng thời cung cấp một lượng lớn phân chuồng bón cho cây trồng, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc tiếp cận và xử lý chất thải chăn nuôi của người dân còn nhiều hạn chế, cụ thể:
- Các chủ trang trại chăn nuôi hầu hết thiếu thông tin trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khả năng tiếp cận khoa học và công nghệ còn hạn chế.
- Chất thải chăn nuôi lớn, khả năng xử lý bằng hầm biogas và ủ phân hữu cơ còn hạn chế.
- Người chăn nuôi chưa biết cách điều chỉnh hợp lý nạp lượng phân và nước thải vào hầm biogas vừa đủ, nên đã nạp quá nhiều. Do đó thời gian lượng phân chưa được xử lý đã bị đẩy ra ngoài tưới cho cây trồng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi rất cao
Từ thực trạng nêu trên, Ban chủ nhiệm dự án của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trụ sở đóng trên địa bàn Bảo Lộc đã tổ chức khảo sát các trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, lựa chọn 12 hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi kết hợp ủ phân vi sinh.
-
Bố trí mô hình
Mô hình được thực hiện tại 12 hộ thuộc xã Lộc Châu, xã Đại Lào, phường Lộc Tiến. Trong đó, dự án sẽ cung cấp và hỗ trợ một phần vật tư, chế phẩm vi sinh, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình xử lý mùi hôi từ chất thải chăn nuôi kết hợp ủ phân vi sinh.
-
Kết quả mô hình
Sau khi tiến hành thực hiện xử lý mùi hôi chuồng trại bằng chế phẩm và thu gom chất thải chăn nuôi để ủ làm phân bón; Ban chủ nhiệm dự án đã tiến hành phân tích chất lượng môi trường không khí trước và sau khi xử lý tại chuồng trại chăn nuôi cũng như phân tích chất lượng mẫu phân vi sinh nhằm đánh giá hiệu quả của dự án làm cơ sở nhân rộng sau khi dự án kết thúc.
Kết quả đạt được như sau:
Về xử lý mùi hôi: Về cảm quan thì sau khi phun xịt chế phẩm thì ngay tức thời đã không còn ngửi thấy mùi hôi nữa. Đồng thời, khi tiến đo đạc nồng độ khí H2S và NH3, có sự thay đổi nồng độ khí H2S và NH3 trước và sau khí sử dụng chế phẩm. Nồng độ H2S giảm 60 – 80 %, Nồng độ NH3 giảm 76 – 86% sau khi phun xịt chế phẩm.
Về xử lý chất thải thành phân hữu cơ vi sinh: Kết quả phân tích các chỉ tiêu trong phân bón nhận thấy mật độ vi sinh vật phân giải Xenlulose cho kết quả >106, hàm lượng chất hữu cơ cho kết quả >15% phù hợp theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón. Ngoài ra, hàm lượng nito, phospho, kali trong phân cũng không bị mất đi nhiều qua quá trình ủ dài và không phát hiện Salmonella trong mẫu phân bón sau khi ủ.
Hiệu quả kinh tế mang lại:
Bảng 1: Chi phí đầu tư ủ phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi (tính cho 1 tấn phân)
Chi phí cho một đống ủ dao động khoảng 1.000.000 đồng/tấn, trong khi giá một tấn phân hữu cơ sinh học bán trên thị trường từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng/tấn. Vì vậy sẽ giảm được chi phí về phân bón đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có và cung cấp chất dinh dưỡng lại cho cây trồng.
Bảng 2: Chi phí khử mùi cho 1 tấn chất thải
- Đối với xử lý chuồng trại: sử dụng Microbelift®OC pha loãng với nước sạch theo tỉ lệ 1:500, sau đó phun đều lên bề mặt chuồng trại theo mức 0,5 lít dung dịch pha loãng cho 1m2 chuồng trại, lặp lại 2 lần/ngày để có hiệu quả tốt nhất. Tương ứng với 1 Quarter (0.946 lít) chế phẩm Microbelift®OC sử dụng phun xịt khử mùi hôi được 1.000m2 chuồng trại (sử dụng 2 lần/ngày).
-
Kết luận
Đánh giá hiệu quả của dự án:
- Quy trình phù hợp với trình độ của người dân; xử lý hiệu quả mùi hôi phát sinh từ chuồng trại;
- Quy trình đơn giản dễ áp dụng, chi phí phù hợp với mức đầu tư của các hộ chăn nuôi.
- Quy trình kỹ thuật của dự án đã được chuyển giao cho các hộ tham gia mô hình và các hộ chăn nuôi trong vùng dự án; Tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả mô hình cho người dân trong vùng tham quan, học tập và nhân rộng mô hình
Kiến nghị của ban thực hiện dự án:
- UBND Thành phố Bảo Lộc tiếp tục đầu tư kinh phí để triển khai nhân rộng kết quả sau nghiệm thu nhằm nhân rộng các mô hình cho các vùng phụ cận trên địa bàn.
- UBND Thành phố Bảo Lộc, các ngành, đơn vị, chính quyền các xã cần quan tâm hơn nữa trong việc tuyên truyền và nhân rộng các mô hình xử lý chất thải cho hộ nông dân chăn nuôi trong toàn huyện biết và áp dụng;
- UBND Thành phố Bảo Lộc cần có kế hoạch hỗ trợ, đôn đốc các trang trại chăn nuôi đầu tư, áp dụng các quy trình kỹ thuật do dự án chuyển giao để nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.