TRANG CHỦ 
  LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG  

  BẢNG GIÁ DỊCH VỤ  

  TRANG TIN LIÊN KẾT  
  
Sở Khoa học và Công nghệ
Chi cục TC - ĐL - CL
Trung tâm ứng dụng KH&CN
BQL Khu NNUDCNC
Liên hiệp các hội KH&KT

  TIN HOẠT ĐỘNG  
Tin hoạt động

Khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý đo lường tại doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng theo Đề án 996 (24/05/2021 )

Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” gọi tắt là Đề án 996, năm 2020 Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5267/KH-UBND ngày 15/6/2020 về việc thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 6.540.000.000 đồng (Sáu tỷ năm trăm bốn mươi triệu đồng).

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 triển khai chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ KH&CN cho ít nhất 20 lượt doanh nghiệp; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đo lường cho ít nhất 400 lượt người tham gia và tăng cường năng lực cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng – đơn vị được giao giữ chuẩn đo lường để đảm bảo tính chính xác của các phương tiện đo (PTĐ) cho các doanh nghiệp.

Đến năm 2030: Triển khai chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ KH&CN cho ít nhất 50 doanh nghiệp; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đo lường cho ít nhất 600 lượt người tham gia và tiếp tục tăng cường năng lực cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng.

Nhằm chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình quản lý và sử dụng PTĐ nhóm 2 tại các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai tốt Đề án 996, năm 2020 Sở KH&CN đã giao cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý đo lường tại doanh nghiệp của tỉnh và thu thập cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đo lường theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tường Chính phủ”;

Sau một năm triển khai khảo sát tại 170 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, 76 đơn vị kinh doanh cân trọng tải lớn, 234 đơn vị sử dụng cân các loại, 30 cơ sở kinh doanh lưu trú và một số hoạt động sản xuất, kinh doanh khác cho thấy:

   - Phần lớn các tổ chức quản lý, sử dụng PTĐ nhóm 2 đã nắm bắt được quy định của pháp luật đối với PTĐ nhóm 2 như quy định về kiểm định, phê duyệt mẫu, kiểm tra định kỳ, theo dõi bảo quản PTĐ. Tiêu biểu như các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh điện, nước, kinh doanh xăng dầu, các cơ sở y tế… Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sử dụng PTĐ chưa biết hoặc chưa nắm bắt một cách đầy đủ. Trên 28% các hộ kinh doanh, mua bán ở các chợ, cửa hàng (PTĐ sử dụng chủ yếu là cân đồng hồ lò xo) chưa biết quy định PTĐ phải thực hiện kiểm định định kỳ hàng năm.

Kiểm định cột đo xăng dầu Kiểm định cân ô tô Kiểm định thiết bị y tế

   - Các đơn vị, doanh nghiệp tiến hành kiểm định định kỳ các PTĐ nhóm 2 của mình tại tổ chức KĐ/HC trong tỉnh là chủ yếu (trên 90%) điều này cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu của các tổ chức KĐ/HC/TN trong tỉnh rất tốt, phục vụ tốt nhu cầu kiểm định và hiệu chuẩn của các đơn vị và doanh nghiệp trong địa bàn.

   - Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn PTĐ của các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh, các tổ chức KĐ/HC/TN cần nâng cao về trình độ, năng lực của kiểm định viên và đầu tư trang thiết bị, chuẩn đo lường theo hướng đầy đủ, đồng bộ và hiện đại.

Nhìn chung, trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quản lý, sử dụng PTĐ, ý thức chấp hành quy định của pháp luật, phương thức quản lý PTĐ tại các tổ chức đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Cột đo xăng dầu, cân ô tô, cân phân tích sử dụng trong kinh doanh vàng, các loại cân thông dụng trong mua bán và sản xuất là những loại PTĐ đã được các tổ chức quan tâm, chú trọng trong quá trình quản lý, sử dụng và chấp hành tốt quy định về kiểm định định kỳ.

Một số tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng PTĐ chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định về kiểm định định kỳ như cân đồng hồ lò xo (tại các chợ, cửa hàng, đại lý), công tơ điện, đồng hồ đo nước lạnh tại các cơ sở lưu trú (sử dụng cho các phòng trọ cho thuê). Các PTĐ sử dụng trong giao nhận, mua bán, thanh toán như cân ô tô, cột đo xăng dầu, cân đồng hồ lò xo còn tiềm ẩn nguy cơ gian lận bằng nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện, xử lý.

Những bất cập đó một phần có nguyên nhân chủ quan của các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng như: cố tình vi phạm quy định của pháp luật để thực hiện các hành vi gian lận nhằm thu lợi bất chính; thiếu trách nhiệm, xem nhẹ công tác kiểm định; không tự giác tìm hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về PTĐ nhóm 2, chưa chú trọng công tác tự kiểm tra định kỳ, theo dõi, bão quản PTĐ; sửa chữa, thay thế PTĐ thiếu kịp thời,... Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra đối với một số PTĐ thiếu thường xuyên; các tổ chức kiểm định trên địa bàn chưa đủ năng lực kiểm định một số loại PTĐ; một số tổ chức, cá nhân còn gặp khó khăn trong công tác kiểm định định kỳ; hiểu biết của người tiêu dùng về PTĐ mặc dù đã được nâng lên so với trước đây nhưng vẫn chưa đầy đủ, chưa ý thức được quyền và lợi ích của mình; các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường cấp huyện chưa nắm bắt và phát huy tốt quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình; đội ngũ cán bộ quản lý PTĐ thiếu kiến thức chuyên sâu về PTĐ và chưa được phổ biến các nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra trong một số PTĐ sử dụng công nghệ cao; một số quy định của pháp luật đối với PTĐ thiếu rõ ràng, nhiều cách hiểu gây nhiều khó khăn khi thực hiện; PTĐ phục vụ cho công tác thanh kiểm tra chưa được trang bị đầy đủ cũng phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lý...

Từ thực trạng quản lý, sử dụng PTĐ nhóm 2 nêu trên có thể đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo về đo lường, an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau:

   - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục phát huy có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực đo lường nói chung và PTĐ nói riêng đến các tổ chức quản lý, sử dụng PTĐ và người tiêu dùng nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật về đo lường.

   - Sở Khoa học và Công nghệ cần tham mưu giúp UBND tỉnh có các cơ chế, chính sách để đủ sức kích thích, đẩy mạnh trong hoạt động đo lường thông qua các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng, nghiên cứu khoa học, công nghệ các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đảm bảo chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Nhất là cần có chính sách phù hợp đối với phát triển nhân lực tham gia hoạt động đo lường.

   - Sở khoa học và công nghệ và Chi cục TĐC cần tăng cường các cuộc thanh, kiểm tra, rà soát hoạt động kiểm định PTĐ tại các tổ chức kiểm định nhằm đảm bảo hoạt động kiểm định luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình.

   - UBND tỉnh, huyện thành phố có chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các công nghệ sản xuất PTĐ, chuẩn đo lường, hỗ trợ thích đáng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất PTĐ, chuẩn đo lường. Khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động đo lường, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường. Quy hoạch và xây dựng mạng lưới kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu kiểm định của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và những lĩnh vực phục vụ QLNN về đo lường.

Các tổ chức kiểm định nói chung và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói riêng cần nâng cao chất lượng phục vụ của hoạt động dịch vụ công trong kiểm định, hiệu chuẩn PTĐ; xác định hoạt động kiểm định PTĐ là khâu đầu tiên trong hoạt động quản lý PTĐ, các tổ chức kiểm định có trách nhiệm áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn các tác động làm sai lệch kết quả đo, hạn chế tình trạng gian lận về đo lường thông qua PTĐ.


Tin khác:



 
TRUNG TÂM KỸ THUẬT TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG LÂM ĐỒNG
Trụ sở chính: Số 230 Hoàng Văn Thụ - Phường 1 - TP.Bảo Lộc - Lâm Đồng
Điện thoại: 0263.3753999; Fax: 0263.3742222
Chi nhánh: Số 18 Trần Phú - Phường 3 - TP.Đà Lạt - Lâm Đồng
Điện thoại: 0263.3833159; Fax: 0263.3533159
Email: tdclamdong@gmail.com
 
                    Lượt truy cập: 

93924